Ngày nay cây mía đang bị cạnh tranh bởi nhiều cây trồng khác, diện tích mía khó có thể gia tăng thậm chí nhiều vùng còn có xu hướng bị thu hẹp dần. Chính vì vậy việc phát triển mía theo hướng thâm canh để đạt năng suất đường cao nhất trên một đơn vị diện tích là vần đề thiết thực và đúng đắn.
Để đạt được điều đó cần phải có biện pháp kỹ thuật tổng hợp từ làm đất, chọn giống, trồng, bón phân, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.
1. Thời vụ, làm đất, chọn giống:
Do hầu hết diện tích mía ở nước ta trồng nhờ nước trời nên chỉ có 2 vụ trồng đó là đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Vụ đầu mùa mưa trồng trong tháng 4-5 để sau khi mía nảy mầm sẽ có đủ nước cho mía sinh trưởng, phát triển, kịp thu hoạch vào tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Cuối mùa mưa nên trồng trong tháng 9-11 tùy theo vùng kết thúc sớm hay muộn. Vụ trồng này giúp mía kết thúc nảy mầm bắt đầu đẻ nhánh khi sang mùa khô và chịu đựng được khô hạn để đầu mùa mưa sẽ vươn cao nhanh, đảm bảo thu hoạch cho vụ ép sớm.
Cây mía có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau như: đất phù sa, đất xám, đất đỏ, đất cát và cả đất phèn. Đất ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên thường cho mía có chữ đường cao hơn so với vùng ĐBSCL.
Cày đất là khâu quan trọng giúp bộ rễ mía ăn sâu, chịu hạn, chống đổ và tăng khả năng cung cấp dinh dưỡng cho cây. Cày lần đầu cần sâu khoảng 40-50cm, bừa kỹ, dọn sạch cỏ rác. Bón 50-60kg Vôi bột/500m2 trước khi bừa lần cuối. Khoảng cách hàng trồng tùy theo điều kiện chăm sóc. Nếu xới bằng máy khoảng cách 1-1,2m, nếu chăm sóc thủ công có thể trồng dày hơn. Lượng giống trồng từ 400-500kg/500m2 tùy theo loại giống và chất lượng giống.
Giống mía có vai trò rất quan trọng trong thâm canh mía. Để có năng suất đường cao cần chọn những giống có chữ đường cao, năng suất cao như: ROC 25, ROC 27, ROC 16, C819-67, F 156, MEX… Mía có thể trồng bằng hom ngọn hoặc toàn bộ cây tuy nhiên không nên trồng cây quá già mà chọn cây khoảng 6-8 tháng tuổi, sạch bệnh. Ruộng làm giống nên tưới, chăm sóc kỹ, bón phân đầy đủ và cân đối để có hom giống tốt, tỷ lệ nảy mầm cao.
2. Nhu cầu dinh dưỡng cho cây mía:
Cây mía có nhu cầu kali cao nhất sau đó đến đạm và lân, ngoài ra, mía còn có nhu cầu một số nguyên tố trung và vi lượng. Khi cung cấp không đủ dinh dưỡng, cây mía sẽ có các triệu chứng như sau:
- Thiếu đạm: Lá non nhỏ, ngắn, xanh lợt, lá già vàng, nếu thiếu nặng, lá bị chết khô từ chóp lá vào giữa gân chính, hoặc vàng hay khô một bên lá, cây mọc yếu đẻ nhánh ít, thân nhỏ, thấp... năng suất kém.
- Thiếu lân: cây con có lá màu xanh dương ửng tím, thiếu nặng có những vết tím dọc trên lá và bẹ lá. Ở cây mía trưởng thành, thiếu lân làm cho lá ngắn, phiến lá hẹp, khả năng chịu hạn kém. Thiếu nặng mía đẻ nhánh kém, những nhánh mía đẻ muộn thường bị chết, cây yếu, lóng nhỏ và ngắn, năng suất thấp.
- Thiếu kali: mặt trên gân chính của lá xuất hiện những vệt đỏ, nếu thiếu nặng lá bị khô từ chóp lá trở xuống, mép lá trở vào, thân cây nhỏ, yếu, dễ bị bệnh, năng suất và chữ đường đều thấp.
- Thiếu magiê: lá có những vệt sọc trắng sau lan rộng làm mất màu phần thịt lá, gân lá vẫn còn xanh, năng suất thấp.
- Thiếu canxi: cây thấp, dễ bị nứt vỏ và đổ ngã, năng suất thấp.
- Thiếu sắt: hàm lượng đạm trong lá giảm trong khi lân, kali, canxi và magiê tăng, cây kém phát triển, năng suất và chất lượng thấp.
- Thiếu kẽm: cây còi cọc, lá mọc sít nhau, cây tù ngọn. Thiếu kẽm thường dẫn tới hàm lượng đạm và magiê trong lá giảm, năng suất thấp.
- Thiếu bo: cây kém phát triển, hàm lượng kali trong lá tăng và magiê giảm.
- Thiếu đồng: cây kém phát triển, khả năng chống chịu sâu bệnh kém. Thiếu đồng cũng dẫn đến hàm lượng magiê trong lá thấp, năng suất và chữ đường thấp.
- Thiếu mangan: cây còi cọc, hàm lượng đạm trong lá giảm. Khi có triệu chứng thiếu dinh dưỡng cũng là lúc cây mía đã thiếu nghiêm trọng và ảnh hưởng nhiều đến năng suất mía cây cũng như chữ đường.
3. Bón phân cho mía
Để đảm bảo nguồn dinh dưỡng tổng hợp cho mía nhằm đạt năng suất, chữ đường cao và giữ được gốc nhiều năm, Công ty cổ phần phân hữu cơ Humíc Quảng Ngãi đưa ra quy trình bón phân cho cây mía trên diện tích 500m2 như sau:
- Bón lót: Bón trước khi xuống hom hoặc vun gốc lần đầu:
Phân hữu cơ khoáng Humico cao cấp: 100 kg kết hợp với 10 kg NPK 10-5-10+S vào rãnh sau khi rạch hàng, lấp một lớp đất mỏng 3-5cm rồi đặt hom. Nếu mía gốc thì sau khi thu hoạch không quá 3 ngày phải đốt sạch hoặc dọn hết lá mía ra khỏi ruộng, dùng máy, trâu bò cuốc cày hoặc cuốc 2 bên hàng mía để làm đứt rễ già. Sau đó bón với liều lượng như trên.
- Thúc đẻ nhánh: Khi mía bắt đầu có lóng, để giúp cho mía đâm chồi đẻ nhánh sớm và tập trung. Bón 30kg NPK 10-5-10+S , dùng cuốc hoặc trâu bò cày sâu 10-15cm vun nhẹ vào gốc.
-Thúc vươn lóng: Khi mía ra được 2-3 lóng, Bón 35kg NPK 10-5-10+S kết hợp với vun gốc mía giúp chống đổ ngã, tăng chiều cao và mía sớm đạt chữ đường.
4. Cách chăm sóc cây mía:
Sau khi trồng 10-15 ngày nếu gặp mưa nên xới phá váng. Làm cỏ lần 1 kết hợp với dặm, khi mía được 4-5 lá. Làm cỏ lần 2 và bón thúc đẻ nhánh, dùng cuốc hoặc trâu bò cày sâu 10-15cm vun nhẹ vào gốc. Thúc vươn lóng, kết hợp với vun gốc giúp mía phát triển thuận lợi, chống đổ ngã.
Khi mía có lóng và cao trên 1m, nếu có chồi mới (mía mầm hoặc chồi nước) nên nhổ bỏ vì đây là những chồi vô hiệu sẽ cạnh tranh dinh dưỡng của những thân chính làm giảm chữ đường và là nơi trú ngụ và phát sinh sâu bệnh. Đối với mía gốc, sau khi thu hoạch cần tổng vệ sinh đồng ruộng, vùi lấp hoặc đốt sạch lá khô để diệt mầm sâu bệnh, sau đó dùng cuốc thật sắc xén lại các gốc còn cao và các chồi mầm còn sót lại.
5. Phòng trừ sâu bệnh:
Có thể tiến hành bóc lá để hạn chế sâu bệnh, rệp, chuột và hạn chế ra rễ trên thân. Một số sâu bệnh chính thường gặp như: bệnh thối đỏ, bệnh than đen, sâu đục thân, sâu hại gốc, rệp trắng... Phải thường xuyên theo dõi trên ruộng mía để kịp thời phòng trừ từng loại sâu bệnh và sử dụng thuốc cho thích hợp.