Trong những năm gần đây, diện tích trồng dưa hấu ngày càng tăng, tuy nhiên bà con nông dân chỉ chú ý đến năng suất mà không quan tâm đến phẩm chất của dưa, trái dưa có màu sắc không đẹp, chất lượng kém, hay bị nấm và rất dễ bị thối trong bảo quản. Để cây dưa hấu đạt năng suất và phẩm chất cao đủ điều kiện xuất khẩu, Công ty cổ phần phân hữu cơ Humic Quãng Ngãi xây dựng quy trình chăm bón cho cây dưa.
1. Điều kiện sinh thái: Dưa hấu thích hợp nhiệt độ từ 25 – 300C cần nhiều ánh sáng trong suốt thời gian sinh trưởng, trời âm u hay mưa nhiều cây sinh trưởng kém, ít đậu quả. Dưa hấu thích hợp đất tơi xốp, tầng mặt dày, thoát nước tốt, thành phần cơ giới nhẹ, độ Ph 5-7, thời tiết ấm áp và khô.
2. Chọn giống dưa hấu để trồng
* Các giống dưa hấu nhập ngoại:
- Giống Sugar Baby: Có thời gian sinh trưởng 65-70 ngày, dễ trồng, là giống dưa quả tròn, vỏ xanh đậm và mỏng, ruột đỏ, hương vị ngọt, ngon. Trọng lượng quả 3-7kg, năng suất 30-40 tấn/ha. Hiện nay có nhiều công ty của Mỹ, Thái Lan, Đan Mạch và Nhật Bản cung cấp giống dưa Sugar Baby.
- Giống Hồng Lương: Là giống lại F1 (không thể để giống vụ sau), Thời gian sinh trưởng 65-70 ngày, quả tròn, nặng 5-7 kg, vỏ xanh nhạt với sọc xanh đậm, ruột đỏ, năng suất 30-40 tấn/ha, kháng bệnh tốt, có thể trồng trái vụ.
- Giống Phú Quang (gốc Đài Loan): Quả dạng trứng, nặng 8-10 kg, vỏ dày màu xanh nhạt, gân đậm đen, ruột đỏ, ít hột, phẩm chất ngon, thời gian sinh trưởng 75 – 80 ngày, có khả năng kháng bệnh khá.
- Giống Hắc Mỹ Nhân (TN 010): Là giống dưa đặc sản, quả dài, màu xanh đen có sọc mờ, vỏ mỏng và cứng dễ vận chuyển. Thịt dưa màu đỏ hồng, ít hạt, độ đường cao, có giá trị thương phẩm và xuất khẩu. Trọng lượng quả là 2,5 – 3,5kg. Năng suất 25 – 30 tấn/ha. Thời gian sinh trưởng vụ Xuân là 80 – 85 ngày.
* Các giống dưa lai tạo trong nước: (Do viện nghiên cứu cây ăn quả)
Giống | TGST (ngày) | Màu sắc trái | Màu sắc ruột | Trọng lượng trái (kg) | Năng suất (tấn/ha) |
An Tiêm 94 | 70-75 | Sọc xanh đậm | Đỏ | 6-8 | 30-40 |
An Tiêm 95 | 70-75 | Đen sọc mờ | Đỏ | 7-9 | 35-45 |
An Tiêm 98 | 65-70 | Sọc xanh | Đỏ | 7-9 | 40-45 |
An Tiêm 100 | 65-70 | Sọc xanh | Vàng | 2-3 | 25-30 |
3. Chuẩn bị gieo hạt
* Chọn thời vụ:
- Trồng dưa Noel: Tùy theo giống gieo từ 15-25/10 dương lịch
- Trồng dưa Tết: Tùy theo giống, gieo từ đầu tháng 11 dương lịch.
- Trồng dưa vụ hè: gieo trồng từ tháng 2 đến tháng 5
* Chuẩn bị đất:
- Đất phải được cày bừa kỹ, bón vôi 500 – 1.000 kg/ha tùy theo từng loại đất, bón khi làm đất hoặc trước khi lên líp
- Líp đôi: Líp rộng 5 – 6m, trên mỗi líp rộng 0,8 – 1m, cao 20cm tạo mương sâu 30cm giữa 2 líp.
- Líp đơn: Líp rộng 2,5 – 3,0m, cao 20cm.
* Khoảng cách trồng:
Đối với líp đơn, mỗi hốc trồng 2 cây, hốc cách nhau 40-50cm, trồng một hàng. Đối với líp đôi mỗi hốc trồng 1 dây, hốc cách nhau 40-50cm, trồng một hàng trên mỗi líp.
Có điều kiện nên dùng tấm phủ ni long (plastic) màu đen, mặt trên có ánh bạc để phủ lên líp nhằm xua đuổi côn trùng, hạn chế thoát hơi nước, giữ ẩm, giữ nhiệt trong đất, hạn chế cỏ dại. Phủ ni long sau khi bón lót.
* Xử lý hạt giống:
- Trên 1 ha cần khoảng 400 - 500gr hạt giống.
- Ngâm ủ hạt giống: Nhằm bảo đảm chọn hạt nẩy mầm chắc chắn và thời gian sinh trưởng, phát triển đồng loạt của ruộng dưa.
- Hạt giống ngâm trong nước sạch 4 - 6 giờ, sau đó xả cho hết chất nhớt rồi ủ trong khăn dầy 24 - 36 giờ, chọn hạt nẩy mầm đem trồng.
* Cách gieo hạt thẳng lên liếp:
Đào hốc sâu 10cm, rộng 10cm, mỗi hốc cách nhau 50-60cm, bỏ đất bột, phân chuồng hoai, tro trấu, vôi và thuốc trừ nấm như hỗn hợp trong bầu, tùy theo nguồn vật liệu có thể bỏ 50% hoặc gần đầy hốc. Dùng ngón tay nhấn hạt nẩy mầm vào giữa hốc ở độ sâu 2-3cm, sau đó dùng đất bột trộn tro trấu và thuốc hạt lấp phần mặt của hốc ít nhất 1-2cm.
Sau khi bỏ hạt, tưới vừa đủ ẩm ngày 2-3 lần để cây phát triển.
* Cách trồng cây con:
Khi cây con 5-7 ngày tuổi có 1-2 lá thật thì đem trồng. Tưới nước đẫm, rạch bao nylon rồi đặt bầu vào lỗ đục sẵn.
5. Kỹ thuật bón phân cho dưa hấu:
5.1. Lưu ý sử dụng phân bón:
Dưa hấu cần nhiều Đạm và Kali. Trong đó, Đạm có tác dụng giai đoạn đầu giúp cây phát triển tốt, nếu cuối thời kỳ bón nhiều phân đạm sẽ làm cho quả phát triển nhanh, năng suất có thể cao nhưng quả nứt ngay trên ruộng, quả tích luỹ nhiều nước làm giảm lượng đường trong quả, phẩm chất quả kém và dễ bị thối sau khi thu hoạch. Lân giúp rễ phát triển tốt, cho nhiều chồi mập, khoẻ và cây sẽ cho quả sớm. Kali giúp quả ngọt, ruột chắc, vỏ cứng dễ vận chuyển đi xa.
5.2. Liều lượng và cách bón:
* Liều lượng bón (dùng cho 1 ha):
- Phân hữu cơ khoáng Humico cao cấp: 1.000kg
- Phân NPK 16-16-8-13S: 1.000 kg ( hoặc NPK 20-20-15 +TE: 800kg)
- Phân bón dạng nước chuyên dùng cho Dưa hấu: 30 - 40 lít
* Cách bón phân hóa học cho dưa hấu.
- Bón lót: Dùng phân bón Humico cao cấp liều lượng 1.000kg/ha kết hợp với 350kg 16-16-8-13S bón khi lên luống trải màng nông nghiệp.
- Thúc lần 1 (12-15 ngày sau khi trồng): Khi dưa bắt đầu bò, đánh rãnh cách gốc 20 – 30cm theo hưóng dưa bò, bón 200kg 16-16-8-13S(Hoặc 160 kg 20-20-15+TE) rồi lấp lại, nếu đất ruộng lúa thì rải phân lên trên mặt sau đó lấp bùn quanh gốc dưa. Ngoài bón gốc kết hợp pha 5 lít phân bón nước chuyên dùng cho Dưa giai đoạn 1 với 2.000 lít nước tưới đều quanh gốc.
- Thúc lần 2 (20-25 ngày sau trồng):. Khi dưa bắt đầu ra hoa, đánh rãnh cách gốc 30-45 cm theo hướng dưa bò, bón 200kg 16-16-8-13S(Hoặc 160 kg 20-20-15+TE) rồi lấp lại như bón lần 1. Kết hợp pha 5lít phân bón nước chuyên dùng cho Dưa giai đoạn 1 với 2.000 lít nước tưới đều quanh gốc.
- Thúc nuôi trái (sau khi đã để trái): Khi dưa lớn bằng trái chanh, tiếp tục bón 250 kg 16-16-8-13S (Hoặc 200 kg 20-20-15+TE) rồi lấp lại. Kết hợp pha 5lít phân bón nước chuyên dùng cho Dưa giai đoạn 2 với 2.000 lít nước tưới đều quanh gốc.
- Định kỳ 7-10 ngày pha 10 lít cho 4.000 lít nước tưới đều quanh gốc
- Ngưng tới trước khi thu hoạch từ 10-15 ngày
6. Chăm sóc:
- Mỗi lần bón nên kết hợp làm cỏ vun gốc.
- Tưới nước: Dưa hấu ưa ẩm, chịu hạn nhưng rất sợ bị ngập úng. Vì vậy, cần tưới đủ nước trong thời gian sinh trưởng và đảm bảo độ ẩm của đất 70 – 75%, chỉ giảm lượng nước tưới khi gần thu hoạch. Khi cây lớn có thể tưới thấm bằng cách cho nước vào rãnh và không để ngậm mặt liếp, trước khi thu hoạch 7 ngày để ruộng dưa khô (độ ẩm đất 50-60%).
- Tỉa nhánh, chỉnh dây: Để 1 dây chính và 1-2 dây phụ từ những nhánh to khoẻ ra sớm nhất, tính từ gốc lên trên tỉa bỏ các nhánh khác. Khi thân có 5 lá thật thì bấm ngọn, 20-25 ngày sau trồng thì sửa dây bò vuông góc với mặt luống.
- Thụ phấn bổ sung: Chọn nụ cái to để thụ phấn bổ sung (các hoa thứ 2, 3, 4 trở đi thường là nụ hoa cái to), dùng hoa đực mới nở chấm lên nhuỵ hoa cái vào buổi sáng (từ 6 – 9 giờ), mỗi cây thụ phấn 2-3 hoa. Khi quả bằng quả chanh tiến hành lựa quả. Mỗi cây chỉ để 1 – 2 quả (tốt nhất là 1 quả).
- Sau khi để quả 7-10 ngày sửa lại vị trí quả để bò tròn đều, có màu sắc đẹp.